Cô gái 26 tuổi ở TP HCM cho biết trước đây từng bị công ty cũ đánh giá không đủ năng lực vì vẻ ngoài rụt rè,ườiViệttrẻđihọcnóicườSlot game ít nói. Khi gặp khách hàng, nhiều lần cô cũng bỏ lỡ cơ hội vì khiến đối tác cảm thấy không tin cậy do cách nói chuyện không lưu loát, ánh mắt không dám nhìn thẳng.
"Tôi quyết định tham gia các lớp dạy nghi thức và phong thái, cố gắng hoàn thiện bản thân để rồi được tuyển thẳng vào vị trí quản lý nhân sự và vận hành ở công ty hiện tại", Châu nói.
Minh Châu nói đến lớp cô được học cách đi, đứng, ngồi - điều mà trước đây cứ nghĩ đơn giản. "Để toát ra vẻ tự tin, cầu vai phải mở rộng, đỉnh đầu hướng thiên, mỉm cười nhẹ, bụng hơi hóp, bước đi chậm rãi trên một đường thẳng, tay đánh nhịp nhàng. Nếu có cầm túi xách, mặt có khóa túi phải hướng ra ngoài, tay nắm hờ lộ ra ngón trỏ...", cô kể.
Châu ngạc nhiên khi biết rằng cười cũng có nhiều cấp độ. Cấp độ một là cười bằng mắt dành cho những mối quan hệ gặp lần đầu, chưa có nhiều kết nối. Cấp độ hai là cười mỉm cho những mối quan hệ đối tác hoặc đã có một vài kết nối trò chuyện. Cấp độ ba là cười tươi tự nhiên, dành cho mối quan hệ đã thân thiết và có nhiều kết nối, gặp mặt nhiều lần. "Tôi còn được học được cách mỉm cười ngay cả khi mệt mỏi để truyền động lực cho nhân viên", cô nói.
Châu cảm thấy mới lạ nhưng các lớp học kiểu này rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ở châu Âu, giới trẻ thiên về học văn hóa ứng xử trên bàn tiệc còn ở châu Á, điển hình là Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, chủ yếu đào tạo về "khí chất phụ nữ" (phong thái của người phụ nữ tự tin, quyến rũ). Nơi có phong trào đào tạo mạnh nhất là Trung Quốc, mỗi lớp trải nghiệm thường có khoảng 3.000 người.
Khảo sát của VnExpress, trong khoảng một tháng qua, trên các nền tảng mạng xã hội của Việt Nam, những nội dung có từ khóa "học phong thái nghi thức" thu hút gần 400.000 lượt xem và yêu thích. Hiện tại có hơn 50 cơ sở mở các lớp học trực tiếp, mỗi khóa kéo dài từ hai đến 21 ngày, học phí thấp nhất hơn hai triệu đồng, cao nhất đến vài trăm triệu đồng. Các lớp chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Bà Nguyễn Quỳnh Trang, người sáng lập Học viện phong thái Á Đông (TP HCM) cho biết cách đây khoảng 5 năm rất ít người biết đến bộ môn này, người biết cũng không đăng ký học vì cho rằng chỉ dành cho lớp quý tộc, nhà giàu.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, mọi người đã hiểu hơn nên lượng học viên tăng mạnh, đặc biệt từ khoảng giữa năm 2023. Trung bình mỗi tháng học viện của bà Trang có khoảng 200 học viên, đa số thuộc nhóm 18-27 tuổi, gấp đôi năm ngoái.
Theo bà Trang, học phong thái không chỉ đơn giản là dạy những kỹ năng mềm. Học viên sẽ được hướng dẫn thay đổi hài hòa cả trong lẫn ngoài. Trước hết giảng viên sẽ chú trọng thay đổi tư duy, bồi dưỡng khí chất từ bên trong cùng với việc nắn chỉnh tư thế bên ngoài sau đó mới đến các quy tắc xã giao. Các học viên được học từ hình thể là dáng vẻ bên ngoài, đường cong cơ thể, tư thế đúng cho mọi lễ nghi. Sau đó, sự thanh lịch duyên dáng sẽ được biểu hiện qua nụ cười, ánh mắt, tác phong, dáng đi.
"Có người làm điều gì cũng khiến người ta thấy dễ mến và ngưỡng mộ vì phong thái, khí chất tỏa ra mạnh mẽ. Và cũng không khó bắt gặp những nụ cười thiếu tiết chế, ánh mắt luôn nhìn xuống, đầy sự tự ti", nữ CEO nói.
Không chỉ học về phong thái, nhiều người còn tìm đến các lớp dạy thêm nghi thức giao tiếp, ăn uống trên bàn tiệc, văn hóa ứng xử giao tiếp, các nghi thức trong văn hóa Việt. Giảng viên dạy nghi thức giao tiếp Tô Quỳnh Mai (35 tuổi, Hà Nội) cho biết mỗi tháng có hơn 100 học viên, tăng gần 50% so với năm ngoái. Học phí dao động từ hai đến tám triệu đồng.
Những nội dung trong chương trình đào tạo gồm ba phần chính: 7% là nội dung trang bị cho các bạn các kiến thức về lễ nghi giao tiếp tại Việt Nam cũng như với bạn bè, đối tác từ các quốc gia khác trên thế giới, 38% là kỹ thuật giọng nói để sở hữu một giọng nói hay và 55% là ngôn ngữ cơ thể, liên quan tới cách đi đứng, tư thế tay, cử động tín hiệu khuôn mặt.
"Phải tập luyện, duy trì những bài học này trong vòng 21 ngày để nó trở thành thói quen", bà Mai cho biết.
Là sinh viên năm 3 ngành Kinh tế quốc tế trường Đại học Thương mại, Tạ Thị Phượng chi hai triệu đồng để học cách giao lưu, ăn uống trên bàn tiệc trong hai ngày do hay phải đi tiếp chuyên gia nước ngoài.
"Đặc biệt là tôi phải tập nói giọng bụng, biết lúc nào nên nói to, dõng dạc lúc nào nên nhỏ nhẹ hay cách quan sát ánh mắt, cử chỉ của đối phương để nắm bắt tâm lý", Phượng nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng đây là tín hiệu đáng khích lệ bởi việc trau dồi rèn luyện từ tri thức đến văn hóa giao tiếp, lễ nghi là cách giúp người trẻ sống có có giá trị cho bản thân và xã hội.
Theo chuyên gia, hiện nay nhịp sống quá nhanh khiến nhiều người trẻ chỉ quan trọng việc học giỏi và kiếm tiền mà quên đi những giá trị cốt lõi, quên cách ứng xử giao tiếp phù hợp. Các lớp học bồi dưỡng nghi thức, phong thái sẽ là môi trường để người trẻ nhận thức sâu rộng hơn về nghi thức chuẩn mực còn việc cải thiện, thay đổi bản thân thì phải vận dụng hàng ngày, học đi đôi với hành thì mới thành công được.
Để chuẩn bị ra mắt gia đình người yêu, Thanh Thúy (23 tuổi) ở quận Ba Đình, Hà Nội đầu tư ba triệu đồng để học lớp dạy quy tắc chuẩn trên mâm cơm Việt.
Thúy kể trước đây ở nhà cô hay cắm đũa vào bát cơm và có thói quen gắp thức ăn rồi bỏ xuống. Khi được học, Thúy mới biết đây là điều cấm kị hay quy tắc chấm thức ăn không nên chạm đầu đũa vào bát nước mắm.
Giảng viên cũng gợi ý, trong buổi trò chuyện cùng gia đình bạn trai, cô chỉ nên áp dụng một trong ba cách ứng xử: có thể bình luận nội dung trên TV, nói về điểm chung giữa cô và người đối thoại hay đơn giản là chân thành lắng nghe người lớn nói.
"Ở nhà tôi có được bố mẹ dạy nhưng không bài bản như khi đi học, tôi thấy bản thân trở nên tinh tế và tự tin hơn rất nhiều", Thúy nói.
Thanh Nga